Diện tích da người trưởng thành xấp xỉ 2m2, chiếm khoảng 5% khối lượng toàn cơ thể và tiếp nhận 1/3 lượng máu lưu thông. Da có bề dày từ 0.5-4 mm tùy theo từng vùng da và từng lứa tuổi. Mỏng nhất là da ở mí mắt, dày nhất là vùng da lòng bàn tay, bàn chân. Trẻ em ở tuổi mẫu giáo thì da mỏng hơn da người lớn 2.5 lần.
Cấu trúc da gồm 2 phần chính là phần da và các bộ phận phụ. Một cách ví von, nếu chúng ta quan sát da qua kính hiển vi thì sẽ thấy được một “bức tranh phong cảnh” với những cao nguyên được chia cắt bởi các rãnh nhỏ (bề mặt da), trên đó có các giếng sâu (lỗ chân lông) là nơi mà những cây không cành không lá vươn lên (sợi lông). Đâu đó lại bắt gặp những thung lũng thoắt ẩn thoắt hiện (nếp nhăn).
PHẦN DA:
Cấu trúc da gồm 3 lớp chính là:
- Biểu bì (epiderma) hay còn gọi là thượng bì, ngoại bì
- Trung bì (derma) hay còn gọi là chân bì, nội bì
- Hạ bì (hypoderma)
1. BIỂU BÌ
Biểu bì là lớp tổ chức ngoài cùng của da, bề dày khoảng 0.1-1mm tùy theo từng vị trí trong cơ thể. Từ ngoài vào trong lớp này gồm có:
- Màng chất béo bảo vệ: bề dày từ 0.1-0.4µm, có tính acid (pH ≈ 5), được cấu thành từ các chất tiết ra bởi tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi
- Lớp sừng: không còn cấu trúc tế bào, có bản chất là các mô chết đã bị sừng hóa. Các tế bào sừng xếp chồng chất lên nhau tạo thành hàng rào chống thấm bảo vệ da khỏi các tác nhân ngoại sinh cũng như sự mất nước nội sinh.
- Lớp hạt: bao gồm 3-4 hàng tế bào mà bên trong bào tương có chứa nhiều hạt sừng kerotohyalin. Những hạt này xuất hiện chứng tỏ quá trình sừng hóa bắt đầu. Keratohyalin thuộc nhóm protein sợi có chứa nhiều gốc aminoacid arginin, lysin, cystydin…
- – Lớp tế bào gai: gồm 5-10 hàng tế bào hình đa diện nằm sát nhau, nối với nhau bằng các cầu nối bào tương. Dưới kính hiển vi điện tử các tế bào này tiếp xúc với nhau thông qua các thể nối chứa những hạt phospholipid đậm đặc. Khi tách các tế bào gai rời nhau ra thì thấy trên bề mặt có các nhú bào tương trông giống như các gai.
- Lớp tế bào đáy: còn gọi là lớp sinh sản. Các tế bào đáy hình thành nên đường phân cách rõ ràng giữa biểu bì và hạ bì. Các tế bào đáy đảm nhiệm việc tái sinh da liên tục thông qua sự phân chia tế bào. Các tế bào mới tạo thành sẽ được đẩy từ từ ra các lớp bên ngoài và trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau.
- Xen kẽ giữa những tế bào đáy còn có các tế bào sắc tố (melanocyte), bên trong bào tương của các tế bào này có những hạt bọc chứa melanin sẽ quyết định đến màu da của mỗi người.
2. TRUNG BÌ
Về cấu trúc trung bì gồm có 3 thành phần chính:
- Những sợi chống đỡ:
– Sợi tạo keo (collagen): sợi thẳng không phân nhánh cấu tạo bởi những chuỗi polypeptid (khoảng 20 loại acid amin)
– Sợi chun (elastin): có nguồn gốc từ sợi tạo keo nhưng lớn hơn và có phân nhánh
– Sợi lưới: cấu trúc giống sợi tạo keo, tạo thành màng lưới mỏng bao bọc quanh mạch máu, tuyến mồ hôi.
- Chất cơ bản là một màng nhầy gồm tryptophan, tyrosin…
- Các tế bào: tế bào xơ hình thoi hoặc hình amip, có tác dụng làm da lên sẹo. Tổ chức bào hình thoi hoặc hình sao, nó có thể biến thành đại thực bào đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể. Tương bào tham gia quá trình chuyển hóa heparin, histamin…
Trung bì còn có các tuyến bã nhờn, tuyến mồ hôi, hệ mao mạch cung cấp máu để vận chuyển chất dinh dưỡng, chất thải, điều hòa huyết áp và nhiệt độ.
3. HẠ BÌ
Là lớp tổ chức trong cùng của da, tiếp nối với môi trường bên trong cơ thể. Cấu tạo chủ yếu là mô mỡ, một ít sợi collagen, các mao mạch, sợ thần kinh
CÁC BỘ PHẬN PHỤ
Gồm các nang lông, các tuyến bã nhờn, tuyến mồ hôi, các sợi thần kinh, các mạch máu, mạch bạch huyết…nằm xen kẽ trong các tổ chức trên.
- Nang lông: là phần lõm sâu xuống của thượng bì, chứa sợi lông và tiếp cận với tuyến bã. Chỉ có khoảng 40-70 nang/cm2 da (1-2% diện tích bề mặt da). Mỗi nang lông có 3 phần: miệng nang lông với bề mặt biểu bì, cổ nang là phần hẹp lại và bao lông là phần dài nhất ăn sâu xuống hạ bì. Bao lông chỉ cấu tạo bởi một lớp tế bào mỏng chưa bị sừng hóa.
- Các tuyến bã nhờn: nằm cạnh bao lông và thông với bao lông bằng ống tiết. Mỗi tuyến bã có nhiều thùy, mỗi thùy gồm nhiều lớp tế bào: ngoài cùng là những tế bào trẻ, tiếp đến là những tế bào to có chứa nhiều hạt mỡ, trong cùng là những tế bào chứa đầy mỡ làm căng vỡ tế bào, chảy ra ngoài thành chất bã. Các chất này cùng với các chất có trong thành phần của lớp tế bào sừng bong tróc ra tạo thành màng chất béo phủ lên bề mặt của biểu bì.
- Các tuyến mồ hôi: có từ 2-5 triệu tuyến ở dạng hình ống xuyên qua các lớp tổ chức của da, gồm có 3 phần:
+ Cầu bài tiết: hình tròn, nằm ở trung bì sâu hoặc hạ bì, gồm có các tế bào bài tiết được bao bọc bởi các tế bào dẹt
+ Ống dẫn đoạn qua trung bì có cấu trúc giống phần cầu nhưng ít tế bào bài tiết.
+ Ống dẫn đoạn qua thượng bì có đoạn xoắn ốc, càng ra ngoài càng xoắn nhiều, gồm một lớp tế bào có nhiễm hạt sừng
DS. Lê Thu Trang